BÁNH XE CUỘC ĐỜI – GIẢI PHÁP CÂN BẰNG CUỘC SỐNG
Nếu trong cuộc sống này có một thứ khó làm nhất thì có thể nói đó là tìm kiếm sự cân bằng. Nếu không có sự cân bằng thì chúng ta sẽ luôn trong trạng thái đau khổ, bất hạnh dù công việc có thành công, tiền bạc nhiều vô số kể.
Đôi khi, chính cuộc sống bận rộn khiến chúng ta sẽ có xu hướng tập trung tất cả năng lượng vào 1-2 vấn đề/ lĩnh vực quan trọng mà quên đi mất những thứ khác. Mặc dù việc này cũng quan trọng nhưng việc đi quá xa có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Các bạn học sinh thi khối A tập trung vào các môn tự nhiên và quên rằng những môn xã hội cũng rất quan trọng. Cha mẹ thường vì kiếm tiền mà quên dành thời gian cho con cái khiến gia đình rạn nứt. Hay lãnh đạo chỉ chăm chăm vào tiết kiệm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận mà quên đi văn hóa, con người thì tinh thần làm việc của nhân viên suy giảm…vv.
Bánh xe cuộc đời là giải pháp giúp nhiều người tìm lại điểm tựa của cuộc sống, giải tỏa căng thẳng, và tìm lại hướng đi mới. Đặc biệt là những ai đang phải đối mặt trước áp lực của cuộc sống mưu sinh. Cơm áo gạo tiền, công việc, sự nghiệp khiến con người ta quên đi các mối quan hệ xã hội, sức khỏe,… Càng lâu dần sẽ không còn cảm thấy hạnh phúc, an lạc.
Khi đang loay hoay tìm kiếm giải pháp để thoát ra thực trạng này nhiều người đã biết đến quy luật “BÁNH XE CUỘC ĐỜI”.
Bánh xe cuộc đời là gì?
Bánh xe cuộc đời, tên tiếng Anh là Wheel of life. Đây là công cụ giúp bản thân tự đánh giá, khám phá dưới nhiều khía cạnh, vấn đề của cuộc sống. Các chuyên gia tâm lý hay huấn luyện viên,… thường sử dụng phương pháp này để đánh giá, tìm hiểu bản chất, tình trạng của mỗi cá nhân. Từ đó có thêm thông tin để điều chỉnh tâm lý phù hợp, nhanh chóng lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Một bánh xe cuộc đời gồm từ 6 – 8 phần, quan trọng là: Sức khỏe, Phát triển bản thân, Mối quan hệ, Sự nghiệp, Tài chính, Cảm xúc, Đóng góp xã hội, Đức tin. Mỗi lát cắt biểu thị một yếu tố, một giá trị tạo nên hạnh phúc, theo những nhu cầu khác nhau.
Mỗi lát cắt có thang điểm từ 1 đến 10 theo từng vòng tăng dần từ trong tâm ra ngoài. Điểm số đánh giá mức độ hài lòng tương ứng với từng khía cạnh. Thông qua sự so sánh này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về cuộc sống hiện tại của mình.
Giá trị của Bánh xe cuộc đời
Có thể nói, bánh xe cuộc đời có tương tác và tầm quan trọng với mỗi cá nhân bởi những lý do sau:
Chúng giúp bạn tự nhìn nhận cuộc sống bản thân một cách tổng quan nhất, chi tiết nhất. Mỗi bánh xe cho biết những gì bạn đang làm tốt, làm không tốt hay những vấn đề rắc rối trong cuộc sống.
Bánh xe cuộc đời được xây dựng dựa trên thứ tự ưu tiên và mức độ quan trọng của các yếu tố, vấn đề. Nhìn vào đó, bạn sẽ biết cần phải tập trung vào mục tiêu nào, đâu là thứ quan trọng nhất. Nhưng cũng không nên quá lạm dụng bánh xe để định hướng. Có thể bạn sẽ bị sao nhãng, dễ cuốn theo công việc mà bỏ lỡ nhiều thứ quan trọng khác.
Đây là công cụ giúp cân bằng cuộc sống, tránh những vấn đề tiêu cực. Nâng cấp và phát triển bản thân về mọi mặt. Nhìn vào những vấn đề chưa tốt, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì để cải thiện, phân chia thời gian, công sức hợp lý.
8 khía cạnh trọng yếu của một bánh xe cuộc đời
Như đã nói, tùy theo sự phân loại và nhu cầu của mỗi cá nhân, cấu tạo trên bánh xe cuộc đời của mỗi người có thể sẽ có 6 phần, 7 phần hay 8 phần.
Dưới đây là 8 phần phổ biến được thiết lập trong một bánh xe cuộc đời:
1. Sức khỏe
Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần và không đơn thuần chỉ bao gồm có tình trạng không có ốm đau bệnh tật. Sức khỏe là tài sản quý giá trong cuộc sống của con người. Vì khi có Sức Khỏe ta có ngàn mơ ước, khi không có sức khỏe, ta chỉ còn 1 ước mơ…
Vậy thì bạn hãy tự đánh giá sức khỏe hiện tại của mình như thế nào? Bạn có tập thể dục đều đặn và có chế độ ăn uống hợp lý, hoặc bạn có đi khám sức khỏe định kỳ? Hay bạn vẫn chủ quan để rồi khi còn trẻ bạn bán sức khỏe của mình lấy tiền, khi về già bạn mua sức khỏe bằng tiền?
2. Phát triển bản thân
Xã hội luôn phát triển không ngừng, nếu bạn dậm chân tại chỗ, đồng nghĩa với việc với việc bạn đang thụt lùi.
Cách kiểm tra năng lực của bạn so với mặt bằng chung của xã hội chỉ đơn giản là nhìn vào vị trí bạn đang nắm giữ tại nơi làm việc, tài sản bạn đang sở hữu, nguồn thu nhập chính chỉ là lương hay có thêm những nguồn thu nhập khác…
Vì vậy bạn cần phải hành động ngay, phát triển bản thân toàn diện cả về kiến thức (knowledge), thái độ (attitude), kỹ năng (skill) như một quá trình liên tục và mãi mãi.
Nói một cách dễ hiểu việc phát triển bản thân là các hoạt động nâng cao giá trị bản thân, tạo nền tảng vững chắc để chinh phục những mục tiêu cuộc sống. Các hoạt động này có thể là đọc sách để nâng cao hiểu biết, tham gia các khóa đào tạo hay tự nghiên cứu, tự học một kỹ năng, kiến thức mà bạn cần. Hoặc đơn giản như khi bạn tìm hiểu về bánh xe cuộc đời cũng là một hoạt động phát triển bản thân.
3. Các mối quan hệ
Mối quan hệ được hiểu là sự tác động qua lại giữa hai (hoặc nhiều hơn hai) đối tượng hoặc hai (hoặc nhiều hơn hai) nhóm đối tượng có liên quan với nhau. Con người không thể sống tách biệt với tập thể. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự tương tác, gắn kết và thương yêu lẫn nhau. Đó chính là mong muốn bẩm sinh, là bản chất của cuộc sống.
Mối quan hệ với chính mình, với gia đình và bạn bè đều có ý nghĩa to lớn đến mọi khía cạnh trong sức khỏe ngắn hạn và dài hạn.
Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, lâu bền cần 3 nguyên tắc tối thượng:
– Hãy luôn đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ hơn.
– Hãy đặt lợi ích chung lên trên những đòi hỏi ích kỷ cá nhân.
– Hãy sống thật lòng, vì sự giả tạo chỉ “diễn” được trong một thời gian rất ngắn với người mới tiếp cận mà thôi.
4. Tài chính
Một lần nữa, hãy tự kiểm điểm lại xem hiện tại bạn đang có được bao nhiêu nguồn thu nhập, bao nhiêu những khoản chi vô bổ, vô nghĩa; đang sở hữu bao nhiêu tài sản sinh lời hay chỉ toàn tiêu sản đốt tiền hàng tháng.
“Người trung lưu tiêu tiền theo cảm xúc, người giàu tiêu tiền theo logic”.
Trong 30 năm, tác giả Steve Siebold từng phỏng vấn hơn 1.200 người trong danh sách những người giàu nhất thế giới để viết cuốn “Người giàu nghĩ gì”, và theo ông, có hơn 100 sự khác biệt trong cách mà người giàu nhìn nhận về tiền bạc so với người trung lưu.
Một trong những khác biệt chủ chốt nhất là người trung lưu nhìn tiền bằng con mắt của cảm xúc, người giàu nhìn tiền bạc bằng con mắt logic. Đưa ra những quyết định về tài chính dựa trên cảm xúc sẽ giết chết ngân sách của bạn.
Tài chính kinh tế của bạn ổn định sẽ là cơ sở để bạn đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc sống như: sinh hoạt, mối quan hệ, học vấn, sự nghiệp… Và có thể đến ngưỡng “tự do tài chính”.
5. Sự nghiệp
“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Nghĩa là bạn tạo cho bản thân mục tiêu, kế hoạch cụ thể và tận lực theo đuổi mục tiêu của mình. Khi gieo cho mình những hạt giống tốt, những hạt giống chắc chắn sẽ nở hoa đẹp.
Sự nghiệp có lẽ là lát cắt được nhiều người quan tâm nhất trong “Bánh xe cuộc đời”. Với nhiều người, thành công trong công việc chính là đạt được những gì họ mong muốn.
Năm 20 tuổi, ai cũng có ước mơ “30 tuổi tôi sẽ có nhà lầu xe hơi, tài sản triệu đô”. Nhưng sau tuyên thệ đó, bạn xắn tay, vắt óc lao vào cuộc chơi để biến ước mơ thành hiện thực, hay lại buông trôi cuộc đời vào những quán bia, vùi đầu vào cái màn hình 7 inches, chăm chú theo dõi những drama trên MXH, những thú vui rẻ tiền, phí thời gian… để rồi đến năm 30 tuổi thì ước mơ chỉ được hoàn thành một nửa, đó là “tôi đã 30 tuổi”.
Muốn làm ông chủ thì trước hết phải làm nhân viên, muốn thành công thì phải trải qua những khó khăn, vất vả và không ngừng học hỏi. Bạn không nên đợi đến khi có một công việc có thu nhập cao, chức vụ quan trọng… thì mới hài lòng, còn khi chưa đạt đến đó thì lại lo lắng. Vậy nên hãy lập cho mình một lộ trình phát triển sự nghiệp, và đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để thực hiện hóa nó.
“Hạnh phúc là trên cả chặng đường đi, chứ hạnh phúc không chỉ là đích đến!”.
6. Giải trí
Giải trí là những hoạt động thường xuyên hoặc theo thói quen giúp mang lại niềm vui, sự phấn khởi trong khoảng thời gian thư giãn.
Tự do làm những gì mình thích như đi du lịch, khám phá thế giới, đọc sách, ăn uống, chơi thể thao, nghe nhạc… một cách thường xuyên. Khi được làm những gì bản thân yêu thích, thì đó đã là một niềm hạnh phúc phải không nào? Người càng có nhiều sở thích sẽ có một cuộc sống thú vị hơn. Đến khi những sở thích trở thành đam mê, nó sẽ khiến bạn sống vì nó, hành động vì nó một cách mạnh mẽ và nhiệt huyết nhất.
Dù sao, cũng cần lưu ý ranh giới giữa giải trí và nghiện. Khi bạn dành quá nhiều thời gian cho một hoạt động giải trí mà nó không mang lại lợi ích về tri thức, sức khỏe, kinh tế thì đó là bạn đang bị nghiện một thú vui lãng phí thời gian.
7. Chia sẻ
Chia sẻ là việc bạn tạo ra các giá trị có ích cho cộng đồng chẳng hạn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, làm từ thiện, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống người dân, có ích cho xã hội.
Có câu chuyện 2 thằng đó, chết xuống âm phủ gặp Diêm Vương.
Diêm Vương hỏi: “Bây giờ nếu đầu thai lên cõi người thì muốn gì nói đi, tao sẽ ưu tiên. Tao đang vui”.
Thằng đó trả lời: “Dạ con cả đời chỉ muốn là cái thằng ‘nhận’ thôi”.
Thằng kia nghe vậy mới nói: “Vậy thôi con làm thằng ‘cho’. Chứ thằng nào cũng nhận hết thì sao được”.
Diêm Vương mới gọi thư ký lại dặn: “Nè, thằng này suốt đời chỉ muốn “nhận”, cho nó lên đầu thai làm ăn mày. Còn cái thằng muốn cho thì cho nó làm người giàu để nó cho thằng này”.
Cuộc sống là để cho đi, để thể hiện tình yêu thương với mọi người, để cảm thấy bình yên trong cuộc sống. Khi bạn mang lại niềm vui cho người khác, bản thân bạn sẽ thấy ấm áp hơn. Đó là nhu cầu tự thân và tự nhiên trong mỗi chúng ta, không cần lý do hay mục đích gì cả.
8. Tâm linh
Mỗi người trên thế giới theo một tôn giáo khác nhau, hoặc có những người không theo một tôn giáo nào; nhưng đối với họ, luôn tồn tại một thế giới tâm linh, luôn có một thế giới cao cả hơn. Tìm về thế giới tâm linh, tìm về tôn giáo là một hoạt động tích cực giúp con người có niềm tin, có thể giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống và giúp con người hướng thiện. Ngay cả khi bạn không tin vào sức mạnh siêu nhiên, bạn cũng nên tìm cho mình một Đức tin để bạn có thể “nương tựa” khi gặp những điều quan trọng. Luật Nhân-Quả chính là một Đức tin cần có của kiếp người.
Quy trình thực hiện Bánh xe cuộc đời theo 6 bước như sau:
Bước 1: Định hình cấu trúc bánh xe của bản thân
Vẽ một vòng tròn, chia nhỏ khoảng 6 – 8 phần tùy theo nhu cầu và vấn đề mà bạn đang quan tâm. Để có hiệu quả chính xác và khách quan nhất, nên chọn không gian, thời gian yên tĩnh cho việc tập trung, tránh bị tác động bởi các yếu tố khách quan. Bạn có thể tham khảo các bánh xe cuộc đời trên Internet và lựa chọn cấu trúc phù hợp với tình trạng hiện tại của mình.
Bước 2: Tự đánh giá mức độ hài lòng của bản thân theo thang 10
Đánh giá mức độ hài lòng ở từng lĩnh vực theo thang điểm từ 1 đến 10 (từ trong ra ngoài). Bước này cần nhiều thời gian cân nhắc, nhìn nhận trung thực, đối diện trực tiếp với mỗi vấn đề,… Không vội vàng, suy nghĩ cảm tính. Điều này làm ảnh hưởng đến sự chính xác của điểm số.
Tìm những lĩnh vực nào đang ở mức dưới 7, tự hỏi mình những câu hỏi sau:
– Để đạt mức 8 điểm trở lên trong lĩnh vực này, mình cần phải làm gì?
– Những kết quả mình mong muốn đạt được trong lĩnh vực này?
– Mình sẽ bỏ bao nhiêu thời gian trong tuần cho lĩnh vực này?
Để có thể hoàn thành “Bánh xe cuộc đời”, bạn có thể trả lời các câu hỏi dưới đây:
Sự nghiệp
Bạn hài lòng với nghề nghiệp của mình như thế nào? Đó có phải là công việc mà bạn mong muốn?
Bạn có muốn muốn theo đuổi một công việc khác?
Công việc có mang lại cho bạn hạnh phúc và sự hài lòng không?
Liệu công việc kiếm đủ tiền để bạn trang trải cuộc sống?
Tài chính
Thu nhập có đủ để đáp ứng tất cả các nhu cầu cơ bản và nhu cầu khác của bạn không?
Bạn có bất kỳ khoản nợ hay vay tín dụng nào không?
Có phải tiền là thứ duy nhất làm cho con người hạnh phúc?
Sức khỏe
Bạn đang cảm thấy thế nào?
Bạn có đang khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần?
Bạn có hài lòng với ngoại hình và cân nặng của mình không?
Bạn có bất kỳ khó chịu nào trong cơ thể không?
Bạn tập luyện thể dục thể thao ở mức độ nào?
Các mối quan hệ
Quan hệ tình yêu – hôn nhân của bạn như thế nào?
Bạn dành thời gian rảnh cho gia đình và bạn bè ở mức độ nào?
Phát triển bản thân
Bạn làm thế nào để đối phó với sự phát triển cá nhân?
Bạn có mở ra những trải nghiệm mới và ham học hỏi không?
Tinh thần – tâm linh
Bạn đang tận hưởng cuộc sống?
Bạn có thực hành sở thích hoặc tập luyện thể thao?
Bạn có kết nối tâm linh với cả thế giới bên trong và bên ngoài?
Giải trí – những hoạt động thiện nguyện
Bạn làm gì vào thời gian rảnh?
Bạn có giúp đỡ người khác không?
Bạn có tham gia các hoạt động thiện nguyện không?
Bạn hoạt động ở mức độ nào tại các câu lạc bộ (thể thao), trong khu phố hoặc chăm sóc các thành viên trong gia đình?
Bước 3: Nối các điểm với nhau tạo bánh xe cuộc đời
Sau khi điền vào tất cả các điểm số, nối các điểm lại với nhau để tạo thành bánh xe cuộc đời của bạn.
Điểm số từ 8 đến 10, nghĩa là bạn rất hài lòng và tốt phần đó. Việc quan trọng bây giờ là bạn đảm bảo rằng điều này được duy trì và cố gắng cải thiện trong lĩnh vực này nếu như có thể.
Điểm số từ 5 đến 7, nghĩa là bạn hài lòng với một hạng mục, nhưng chắc chắn bạn vẫn có cơ hội để cải thiện và đạt được mục tiêu cao hơn.
Điểm số từ 1 đến 4 cho thấy bạn không hài lòng về lĩnh vực này. Bạn nên tìm cách cải thiện sự hài lòng ở đây.
Hãy cố gắng khai thác tối đa điểm số mà bạn nhận được bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
Lý do bạn cho mình điểm thấp như vậy trong lĩnh vực này?
Điểm lý tưởng cho mỗi lĩnh vực là gì?
Điểm nào bạn muốn đạt được sau một tháng, 3 tháng, 6 tháng và sau 1 năm?
Những lĩnh vực nào ít điểm?
Những lĩnh vực nào có tầm quan trọng để có thể đạt được sự cân bằng?
Khi đã chấm điểm cho tất cả các vấn đề từng lát cắt, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và toàn diện về cuộc sống hiện tại. Chúng phản ánh những rắc rối mà bạn đang gặp phải. Và cả những vấn đề cần cải thiện, giải quyết để lấy lại động lực trong cuộc sống.
Bước 4: Thiết lập mục tiêu cho từng lát cắt
Hãy cân nhắc xem đâu là yếu tố quan trọng nhất, cần thiết nhất. Hãy hình dung về cuộc sống mà bạn mong ước và xây dựng mục tiêu bánh xe cuộc đời cho riêng mình.
Bước 5: Đưa ra giải pháp để hoàn thiện từng lát cắt đó
Đây là lúc bạn cần phải hành động. Đưa ra giải pháp cho vấn đề tồi tệ, loại bỏ những vấn đề khiến bạn sao nhãng. Cần có hành động cam kết, tránh bỏ dở giữa chừng.
Bước 6: Vẽ lại định kỳ theo tháng hoặc quý để biết mức hoàn thiện
Đánh giá lại hiệu quả sau thời gian áp dụng phương pháp này (thường sẽ là mỗi tuần hoặc mỗi tháng). Bằng cách vẽ và đánh giá lại bánh xe cuộc đời để nhìn nhận sự thay đổi. Từ đó có phương pháp điều chỉnh những việc làm tốt, áp dụng ngược lại với những việc làm chưa tốt.
Bánh xe cuộc đời nên được áp dụng như thế nào trong cuộc sống?
Mỗi người đều có cho mình một hoặc vài ưu tiên nhất định trong cuộc sống. Sau đây là những gợi ý để bạn có thể áp dụng bánh xe cuộc đời một cách hiệu quả:
Ưu tiên sức khỏe bản thân
Ngày càng có nhiều người “vắt kiệt” sức khỏe của mình để chạy đua với việc kiếm tiền. Đây là làm tự hủy hoại chính mình. Vì vậy, nếu bạn đặt vấn đề sức khỏe là sự ưu tiên hàng đầu trong bánh xe cuộc đời thì hãy dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, chăm sóc sức khỏe, cải thiện những thói quen xấu có ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe.
Thay vì thức khuya, dậy muộn thì hãy đi ngủ sớm, dậy sớm. Thay vì 1 – 2 giờ đêm thì hãy lên giường lúc 10 giờ tối và dậy lúc 5 giờ sáng. Tranh thủ tập thể dục và chuẩn bị bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng, đủ năng lượng cho một ngày làm việc.
Kiểm soát nghiêm ngặt tài chính cá nhân
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính của bản thân thì hãy bắt đầu thay đổi từ việc kiểm soát các khoản chi tiêu dù là nhỏ nhất sao cho phù hợp với thu nhập và mức sống của mình.
Kiểm tra lại các nguồn thu nhập, các khoản nợ, cách chi tiêu hàng tháng như thế nào,… Từ đó, nhận định và hạn chế những khoản dư thừa. Tạo thói quen tiết kiệm đều đặn, và tính toán chi tiêu sau khi đã có một khoản tiết kiệm. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc đầu tư để gia tăng giá trị nguồn tiền, kiếm thêm lợi nhuận, tạo quỹ dự phòng tài chính,…
Phát triển kỹ năng bản thân
Nếu bạn muốn ưu tiên phát triển kỹ năng bản thân, hãy bắt đầu đánh giá lại năng lực của bản thân. Biết bạn cần thay đổi điều gì, cần làm gì? Dung nạp thêm các kiến thức chuyên môn, kỹ năng cải thiện hiệu suất,… là cách để bạn có thể đàm phán tăng lương. Ngoài làm việc chăm chỉ thì cũng không thể bỏ qua việc “nâng cấp” bản thân. Kiến thức phong phú, kỹ năng làm việc khoa học là một cách để tăng thu nhập gấp nhiều lần. Từ đó, bạn sẽ thấy thoải mái hơn trong việc chi tiêu cũng như kiểm soát tài chính cá nhân.
Dành chút thời gian đọc sách mỗi ngày, tham gia khóa học, tự học, nhờ sự tư vấn của các chuyên gia trong ngành,… cũng là cách để bạn phát triển năng lực. Hãy lập kế hoạch ngay hôm nay và kiên trì hành động để có hiệu quả tốt nhất.
Thiết lập bánh xe cuộc đời là cả một quá trình và các yếu tố đều có sự liên kết với nhau. Ví dụ, khi bạn có đủ sức khỏe, tự nhiên sẽ có sức và nhiệt huyết để làm việc. Kỹ năng được bồi dưỡng hàng ngày, bạn dần tìm lại được niềm vui trong công việc. Hiệu quả, năng suất làm việc ngày càng tốt, thu nhập cũng vì thế mà tăng dần. Lúc này, bạn lại tiếp tục phát triển bản thân để tìm được động lực và cân bằng cuộc sống…
CÂN BẰNG CUỘC SỐNG VỚI BÁNH XE CUỘC ĐỜI
Nếu như bạn tập trung nâng cao lĩnh vực sức khỏe, nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy năng lượng dồi dào và thái độ của bạn trở nên tích cực hơn với cuộc đời. Điều này có thể là hệ quả dẫn đến mối quan hệ của bạn với những người khác cũng tăng lên, hoặc sự nghiệp của bạn cũng phát triển hơn do bạn có năng lượng làm việc gấp đôi người khác.
Nếu như bạn tập trung nâng cao lĩnh vực phát triển bản thân thì có thể kéo theo tất cả các lĩnh vực khác cùng tăng lên một tầm cao mới. Mấu chốt ở đây đó là tìm ra những cách để giúp bạn cân bằng các lĩnh vực này trong một tuần bằng các hoạt động khác nhau.
Nếu chỉ tập trung vào một lĩnh vực mà bỏ quên các lĩnh vực khác trong suốt một tháng thì sẽ rất nguy hiểm vì chúng ta có nguy cơ rơi vào hình dạng bánh xe xiên vẹo và méo mó.
Thiết lập bánh xe cuộc đời là một quá trình tuy đơn giản nhưng không hề dễ. Nó yêu cầu bạn phải có một mức độ nhận thức, thấu hiểu bản thân nhất định cùng với sự dũng cảm để quan sát chân thật về cuộc sống của mình.
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bánh xe cuộc đời. Vận dụng ngay hôm nay để cân bằng lại cuộc sống nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi, mất định hướng tương lai.
Chúc bạn thành công!
Bài viết cùng danh mục
-
Luyện tập có chủ đích
-
XÂY DỰNG TỔ CHỨC HIỆU SUẤT CAO = TƯ DUY TỔ CHỨC + PHƯƠNG PHÁP THIẾT KẾ ĐỘI NGŨ
-
Trait-Map® – Công cụ toàn diện giúp phát triển vượt bậc
-
Kỹ năng lao động đến Năm 2030
-
Tổng quan về Quản trị Hiệu suất (Performance Management)
-
USAID IPSC HOÀN THÀNH HỖ TRỢ KỸ THUẬT CHO SECOIN
-
MUỐN ĐÀO TẠO HIỆU QUẢ - CHÚ Ý 03 ĐIỂM NÀY
-
BỆNH VIỆN NHÂN SỰ - HR HOSPITAL – NƠI CHĂM SÓC SỨC KHỎE TOÀN DIỆN CHO DOANH NGHIỆP
-
Dịch Vụ Tính Lương Chuyên Nghiệp của SprinGO - Payroll Outsourcing Services
-
DỊCH VỤ TƯ VẤN TẠI SPRINGO (QUẢN TRỊ - PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ TỔ CHỨC)